Tranh luận và phân tích về chiến tranh và chính thể chuyên chế, về tội ác dưới động lực tư tưởng và về bất công chính trị trong thế kỷ 20 và tưởng niệm những nạn nhân bị truy bức có một vai trò quan trọng trong văn hóa hồi tưởng của Cộng hòa Liên bang Đức.
Việc gìn giữ những bản báo cáo của các nhân chứng thời đó là cốt lõi của một văn hóa hồi tưởng với định hướng sao cho các thế hệ tương lai cũng vẫn ý thức được tội ác của chủ nghĩa quốc xã. Việc duy trì nhiều địa điểm tưởng niệm và hồi tưởng đối với các nhóm nạn nhân khác nhau trên toàn nước Đức cũng là thành phần của văn hóa hồi tưởng sống động. Ngay giữa Berlin là đài tưởng niệm người Do Thái ở châu Âu bị giết hại nhắc người ta hồi tưởng đến 6 triệu nạn nhân Do Thái của chương trình hủy diệt người Do Thái.
Tưởng niệm chiến tranh, phản kháng và độc tài
Sự tưởng niệm trong các năm 2014 và 2015 – tưởng niệm 100 năm ngày chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ và 25 năm ngày bức tường sụp đổ – trước hết mang đậm dấu ấn của lòng biết ơn. Đó là lòng biết ơn các nước đồng minh trong đồng minh chống Hitler vì đã giải phóng năm 1945, nhưng cũng vì những cơ hội tái thiết và tái thống nhất năm 1990. Đó cũng là lòng biết ơn những nạn nhân sống sót sau chương trình hủy diệt người Do Thái là nhân chứng cho tội ác và sau chiến tranh thế giới lần thứ hai là những người đã hòa giải với nước Đức dân chủ. Việc Israel và Đức thiết lập quan hệ ngoại giao – năm 2015 là năm kỷ niệm lần thứ 50 – là một dấu hiệu đặc biệt cho tinh thần sẵn sàng hòa giải.
Sự hồi tưởng về chế độ độc tài cộng sản trong vùng quân quản của Liên Xô (1945-1949) và ở CHDC Đức (1949-1990) cũng cần phải được duy trì một cách sống động cho những thế hệ không trải qua thời kỳ nước Đức bị chia cắt và hệ thống CHDC Đức. Về điểm này Cơ quan đặc trách về hồ sơ, tài liệu của cơ quan an ninh quốc gia CHDC Đức trước kia vẫn có một vai trò quan trọng. Cơ quan này vẫn tiếp tục xem xét, phân loại hồ sơ và để những người liên quan và các nhà khoa học tiếp cận được hồ sơ. Trong một triển lãm dài ngày tổ chức tại trụ sở trước kia của cơ quan an ninh quốc gia CHDC Đức (Stasi) các phương tiện và cách thức làm việc của Stasi để theo dõi, kiểm soát và đe dọa người dân được trưng bày rõ ràng. Tại các chi nhánh của Stasi trong những thành phố lớn ở Đông Đức việc hồi tưởng về chế độ độc tài của CHDC Đức được duy trì bằng những triển lãm và những bài thuyết trình.
Đài tưởng niệm sự phản kháng của Đức tại khu nhà Bendler block ở quận Mitte, Berlin là để tưởng niệm tinh thần phản kháng chống chế độ độc tài quốc xã. Đài đặt tại một vị trí lịch sử, nơi kế hoạch lật đổ ngày 20.07.1944 của nhóm của bá tước Stauffenberg đã thất bại. Đài tưởng niệm này ghi lại một cách đầy ấn tượng, từng thành viên và các nhóm từ năm 1933 đến 1945 đã chống lại chế độ độc tài quốc xã như thế nào và đã tận dụng những cơ hội hành động của họ như thế nào.