Nỗ lực vì hòa bình và an ninh

Ngoại giao, phòng ngừa khủng hoảng và giải quyết bất đồng một cách hòa bình là những công cụ ưu tiên của chính sách ngoại giao của Đức. Việc cử các công chức, thẩm phán, công tố viên, cảnh sát, chuyên gia trợ giúp tái thiết và những lực lượng dân sự khác nằm trong khuôn khổ một chính sách đối ngoại toàn diện, trong đó có cả việc quân đội Đức tham gia các sứ mệnh hòa bình đa quốc gia.

Quân đội Đức tham gia sứ mệnh quốc tế
Quân đội Đức tham gia nhiều sứ mệnh ở nước ngoài, như EUTM (sứ mệnh huấn luyện chung của châu Âu tại Mali)

Đặc điểm xác định của chính sách đối ngoại của Đức là sự liên kết đa phương chặt chẽ. Đặc điểm này đặc biệt đúng đối với việc điều động các phương tiện quân sự. Về nguyên tắc quân đội Đức được điều động trong khuôn khổ những hệ thống an ninh hoặc phòng thủ tập thể.

Như vậy quân đội Đức bị ràng buộc với những nghị quyết của Liên hiệp quốc, Liên minh châu Âu và của NATO. Hoạt động của quân đội Đức ở nước ngoài, tùy theo điều kiện, luôn luôn kết hợp với những thành phần dân sự như các biện pháp chính trị, hợp tác phát triển và kinh tế xã hội. Hoạt động có vũ trang của các lực lượng vũ trang được đặt dưới sự ủy thác và kiểm soát của Quốc hội Liên bang. Những hoạt động đó phải được sự đồng ý của đa số nghị sĩ Quốc hội Liên bang và mỗi một hoạt động có thời hạn 1 năm. Vì thế quân đội Đức còn được gọi là quân đội Quốc hội.

Từ khi thành lập quân đội Đức năm 1955, Đức hòa nhập vào khối NATO về chính trị và quân sự. Sự gắn kết chặt chẽ vào Liên minh phòng thủ Bắc Đại Tây Dương là một thành phần thuộc “ADN” của chính sách đối ngoại của Đức. Đức là một trong những nước cung cấp lực lượng quân đội lớn nhất trong các hoạt động của NATO ở Kosovo (KFOR) và ở Afghanistan (ISAF, Resolute Support). Từ năm 1990 quân đội Đức đã và đang tham gia 35 hoạt động ở nước ngoài, trong số đó 19 hoạt động kết thúc năm 2015. Dưới tác động của cuộc khủng hoảng Ucraina, một lần nữa Đức đã chứng tỏ nỗ lực của mình đối với việc phòng thủ của liên minh.

Năm 2015 Đức đã cùng với Hà Lan và Na Uy góp phần xây dựng đơn vị phản ứng nhanh, mới, có thể thuyên chuyển được đặc biệt nhanh của NATO (VJTF) là đơn vị sẽ cải thiện khả năng phản ứng của liên minh trong khuôn khổ phòng thủ tập thể và quản lý khủng hoảng. Từ khi ra nhập Liên hiệp quốc năm 1973, Cộng hòa Liên bang Đức là một thành viên tích cực, đáng tin cậy và được đánh giá cao của Liên hiệp quốc. Vì thế năm 2018 Đức dự định sẽ ra ứng cử lần thứ 6 vào một ghế ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc cho nhiệm kỳ 2019/2020. Đức đóng góp vào ngân sách chính thức của Liên hiệp quốc mỗi năm khoảng 190 triệu US-Đôla và vào ngân sách riêng của các sứ mệnh hòa bình của Liên hiệp quốc khoảng 640 triệu US-Đôla. Các khoản đóng góp đó chiếm 7,1% tổng ngân sách của Liên hiệp quốc. Như vậy năm 2015 Đức là nước đóng góp lớn thứ 3.

Năm 2015 Đức có khoảng 260 binh sĩ và cảnh sát tham gia các sứ mệnh hòa bình của Liên hiệp quốc, như ở Libăng, Tây Sahara, Mali, nam Xuđăng, Xuđăng và Liberia. Liên hiệp quốc cũng hiện diện ở Đức, đặc biệt là trong khu vực Liên hiệp quốc ở Bonn, nơi 19 trong số 28 cơ quan của Liên hiệp quốc ở Đức đặt trụ sở, trong đó có Ban thư ký khí hậu của Liên hiệp quốc (UNFCCC).

Để hỗ trợ tốt hơn các tổ chức quốc tế khi thực hiện các sứ mệnh gìn giữ hòa bình, Đức sẽ tiếp tục chuyên nghiệp hóa công tác đào tạo và cử các chuyên gia dân sự hỗ trợ khắc phục khủng hoảng. Trung tâm về các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế (ZIF) được thành lập năm 2002 có một lực lượng 1.500 chuyên gia sẵn sàng làm nhiệm vụ và cần phải được tiếp tục tăng thêm nhân lực.

Trung tâm này tuyển chọn các chuyên gia hỗ trợ dân sự, mở khóa học chuẩn bị cho họ, để được cử đi hoạt động quan sát hoặc hòa giải trong các khu vực khủng hoảng và các khu vực hậu khủng hoảng và đánh giá kinh nghiệm của họ. Đến năm 2015 Trung tâm đã hợp tác với Bộ Ngoại giao cử được 3.000 quan sát viên ngắn hạn và dài hạn thực hiện các sứ mệnh quan sát bầu cử và thực hiện dự án ở 65 nước.

Đức ủng hộ Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSZE) là một trụ cột trung tâm của hòa bình và an ninh ở châu Âu. Năm 1995 OSZE ra đời từ tổ chức tiền thân là Hội nghị An ninh và Hợp tác châu Âu (KSZE). Văn kiện cơ sở của OSZE là Định ước Helsinki ký năm 1975 thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản của trật tự an ninh châu Âu về không xâm phạm các đường biên giới và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

Tổ chức OSZE là diễn đàn trung tâm cho hòa bình và an ninh ở châu Âu.

Ngày nay tổ chức này gồm 57 nước thành viên từ châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Á và như vậy là tổ chức an ninh tập thể khu vực lớn nhất thế giới. Trong cuộc khủng hoảng Ucraina một lần nữa lại thấy rõ được tầm quan trọng của OSZE như là một diễn đàn trung tâm cho đối thoại và tạo dựng lòng tin. OSZE hỗ trợ những cố gắng nhằm giải quyết một cách hòa bình cuộc xung đột Ucraina bằng cách thu xếp những cuộc đàm phán chính trị trong khuôn khổ nhóm tiếp xúc 3 bên.

Ngoài ra OSZE còn cử hàng trăm quan sát viên dân sự đến Ucraina để giám sát việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn theo các thỏa thuận Minsk tháng 09.2014 và tháng 02.2015 và xác nhận việc rút quân đội và vũ khí ở khu vực xung đột ở miền Đông Ucraina. Để phòng ngừa bất đồng và khuyến khích quá trình dân chủ hóa, OSZE duy trì cơ quan đại diện thường trực tại nhiều nước và thường xuyên cử các quan sát viên bầu cử đến những nước thành viên, một hoạt động cũng được Đức ủng hộ.

Nỗ lực giải trừ quân bị và kiểm soát vũ trang

Giải trừ quân bị, kiểm soát vũ trang và không phổ biến vũ khí hạt nhân có một giá trị to lớn trong chính sách đối ngoại của Đức. Nước Đức công nhận mục tiêu một thế giới không có vũ khí hạt nhân và theo đuổi một tiền đề thực tiễn. Cùng với 5 nước uỷ viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc, trong khuôn khổ các cuộc đàm phán E3+3 Đức đã góp phần xây dựng thỏa thuận Viên với Iran về chương trình hạt nhân của Iran. Đức tiếp tục nỗ lực cho tính hiệu lực toàn cầu và sự thực thi các hiệp ước và hiệp định quốc tế liên quan đến chủ đề này. Năm 2014 và 2015 Đức tham gia phá hủy vũ khí hóa học chuyên trở từ Xyri sang. Từ năm 2013 đến 2016 Đức thực hiện các dự án tăng cường an toàn sinh học với kinh phí khoảng 24 triệu Euro tại hơn 20 nước đối tác. Ngoài ra năm 2014 Đức còn chi khoảng 13,2 triệu Euro cho các dự án rà phá bom mìn và chăm sóc nạn nhân bom mìn tại 13 nước và như vậy thuộc số những nước tài trợ lớn nhất trong lĩnh vực này.

Việc phá hủy những vũ khí và đạn dược dư thừa, cũng như bảo quản an toàn những khu kho bãi có nguy cơ bị đe dọa là những trọng tâm chính sách của Đức. Trong khu vực các nước thành viên OSZE thì công tác kiểm soát vũ trang thông thường và các biện pháp tạo dựng lòng tin và an ninh có ý nghĩa to lớn. Đức ủng hộ việc hiện đại hóa và thay đổi những biện pháp này phù hợp với những thách thức hiện nay.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *