Trong những năm 80 Bismarck đã ban hành một bộ luật xã hội rất tiến bộ. Động lực chính cho việc này là đáp ứng những đòi hỏi cấp thiết nhất của giới công nhân và như vậy sẽ “làm mất gió thuyền buồm” của đảng SPD. Để hy vọng đạt được điều đó, ông đã cho ban hành những bộ luật sau đây:
– Bảo hiểm khi bị bệnh tật: Giới thợ trả 2/3 và chủ trả 1/3 tổn phí.
– Bảo hiểm khi tai nạn: Chủ trả hoàn toàn tổn phí.
– Bảo hiểm khi mất sức lao động và khi về già (từ 70 tuổi): Thợ và chủ mỗi bên trả một nửa.
Mặc dù việc ban hành những luật lệ này là một tấm gương đáng học ở châu Âu, nhưng nó không làm giảm bớt căng thẳng giữa một nhà nước quân chủ độc tài và giới công nhân, vì nó ra đời mà không có sự tham gia của những người trong cuộc.
Otto von Bismarck đã tạo những nền tảng cho bảo hiểm xã hội ở Đức
Đường lối đối ngoại của Bismarck
Những cuộc chiến tranh dẫn đến thống nhất “ năm 1866 và 1870/71 đã quyết định chủ yếu đường lối đối ngoại của Bismarck, xuất phát từ những tiền đề sau đây:
– Sự hình thành Vương quốc Đức đã làm lệch cán cân quyền lực ở châu Âu.
– Việc ổn định một đất nước còn non trẻ được ưu tiên trước hết và chỉ có thể đạt được thông qua tập trung phát triển những vấn đề nội trị.
– Phải làm giảm thiểu sự nghi kỵ của nước ngoài.
– Vị trí địa lý nằm ở trung tâm là không thuận lợi cho vấn đề chiến lược.
– “Mối thù truyền kiếp“ với Pháp.
– Đối thủ của Nga và Áo-Hung ở vùng Ban-căng.
– Quan hệ tốt với Nga (Phổ không ủng hộ sự nổi dậy của Ba Lan chống Nga năm 1863) và với Anh (Quan hệ thân thiện với những dòng họ cầm quyền).
Dựa trên cơ sở này, năm 1877 Bismarck đã phác họa ra đường lối đối ngoại của mình. Những điểm chính trong đó là:
– Thể hiện sự thỏa mãn với việc không đòi lãnh thổ và thuộc địa.
– Tạo an toàn cho Vương quốc Đức còn non trẻ thông qua việc tham gia vào những liên minh quan trọng ở châu Âu.
– Ổn định cán cân quyền lực ở châu Âu.
– Không để những tranh chấp hay chiến tranh xảy ra ở châu Âu cũng như lấn chiếm vùng ngoại vi châu Âu (ví dụ vùng Ban- căng) hoặc ngoài lục địa này (chiếm thuộc địa).
– Qua đó ổn định hóa “cán cân vốn bất ổn” ở châu Âu và cô lập Pháp.
Đánh giá về Bismarck
Cho đến ngày nay, Bismarck vẫn được đánh giá dưới nhiều giác độ khác nhau. Mỗi đánh giá đều phụ thuộc vào thời điểm lịch sử gần hay xa, vào vị thế tư tưởng chính trị của chính người đánh giá. Về cơ bản phải phân biệt giữa một con người làm công tác đối ngoại có năng lực, có tầm nhìn xa trông rộng và một con người đưa ra chính sách nội trị, ít nhạy bén về xu hướng phát triển mới không thể đảo ngược được của thế kỷ thứ 19 (Chủ nghĩa tự do ra đời, dân chủ, các đảng phái, giới công nhân…) và vì thế chính sách đối nội của ông không mấy thành công.
Trong khoảng thời gian từ 1866 đến 1945 Bismarck được đánh giá, chủ yếu trên cương vị của một nhà ngoại giao, là “người sáng lập thiên tài của Vương quốc Đức”, là “vị thủ tướng sắt thép” và được ca ngợi hết lời vì lý do tự hào dân tộc. Từ năm 1945, việc đánh giá Bismarck có phần khách quan hơn, có chú ý đến những thắng, bại cũng như phương pháp thực hiện của ông trong chính sách đối nội, đối ngoại, chú ý đến ảnh hưởng do chính sách của ông đối với Vương quốc thứ ba (Thời kỳ Hitler lên nắm quyền). Đó là tư duy nhà nước quyền lực, tôn uy quyền nhà nước, tinh thần phục dịch của dân chúng, chủ nghĩa quân phiệt dùng “sắt và máu”. Chính vì thế, ngành viết sử hiện đại đã xa lánh Bismarck, vì kể cả chính sách nội trị lẫn ngoại giao của ông bị những nhà sử học có tên tuổi (ví dụ Golo Mann) đánh giá là sự khởi đầu “con đường dẫn đến chế độ Hitler”.