Năm 1863, vua Đan Mạch Christian IV tìm cách chiếm trái phép Schleswig để sáp nhập vào vương quốc của mình. Chính vì thế quân đội Phổ và Áo, theo đề xướng của Liên minh Đức, đã tràn vào bán đảo Jüttland (Đan Mạch) và chiến thắng quân Đan Mạch tại chiến lũy Düppel. Triều đình Đan Mạch vì thế mất đứt luôn cả hai vùng lãnh địa Đức/ trước đó là vùng tranh chấp (Schleswig, Holstein). Hiệp ước Gastein (1865) xác nhận Schleswig dưới quyền quản lý của Phổ và Holstein dưới quyền của Áo.
Schleswig và Holstein là vùng tranh chấp cho đến 1963 và đường biên giới ngày nay giữa Đức và Đan Mạch (đường đứt đoạn màu trắng)
Sau đó hai cường quốc Đức (Phổ và Áo) đều muốn một mình bá chủ Đức nên sẵn sàng dùng quân sự để giải quyết hiện trạng song quyền này. Sau khi Bismarck (Thủ tướng Phổ) thỏa thuận được với Ý, Pháp và Nga giữ vai trò trung lập không can thiệp, ông đã kích thêm mâu thuẫn tranh chấp và cuộc chiến tranh đã nổ ra trên lãnh thổ Đức giữa Phổ (được 18 bang nhỏ và vừa ở phía bắc ủng hộ) và Áo (được 13 bang phía nam ủng hộ).
Do vũ khí và chiến thuật của quân đội Phổ tốt hơn nên mùa hè 1866 Phổ đã chiến thắng một cách nhanh chóng (trận đánh quyết định xảy ra ở Königgrätz) dẫn đến Hiệp ước hòa bình ký ở Nikolsburg. Vì Bismarck thuyết phục được vua và giới quân sự, đồng thời Phổ không có mục đích chiếm lãnh thổ, nên Pháp và Nga không can thiệp vào cuộc chiến.
Kết quả và hậu quả của cuộc chiến tranh này là:
– Phổ thôn tính được các bang bắc Đức để thành lập Liên minh bắc Đức (1866).
– Đặt nền tảng cho Hiến pháp 1867 chính thức ra đời, do Bismarck dự thảo. Bản Hiến pháp này khẳng định quyền thống trị của Phổ trong Liên minh bắc Đức.
– Áo phải nhường vùng đất Venetien cho Ý, Áo bị loại khỏi chính trường Đức và vì thế chỉ tập trung vào những vấn đề nội trị của mình (quốc gia đa sắc tộc).
– Để tạo cán cân với Liên minh bắc Đức, một Liên minh độc lập ở miền nam được thiết lập.
– Phổ trở thành một cường quốc mới ở châu Âu.