Không nước nào ở châu Âu có nhiều láng giềng hơn Đức. Đức chia sẻ đường biên giới với 9 quốc gia, 8 nước trong đó là thành viên của Liên minh châu Âu (EU). Tiến trình hòa nhập châu Âu, một trong những thành công lớn nhất trong lịch sử chính trị của những thập niên gần đây, tạo ra cho nước Đức cơ sở cho hòa bình, an ninh và phồn vinh. Tiếp tục phát triển và tăng cường hòa nhập châu Âu, đặc biệt trước những biểu hiện phức hợp và nhiều nguy cơ khủng hoảng, sẽ vẫn là nhiệm vụ trung tâm của chính sách đối ngoại của Đức. Dự án lịch sử thành lập Liên minh châu Âu, bắt đầu từ đầu thập niên 50, ngày nay đã bao gồm hơn nửa tỷ người dân của EU tại 28 nước thành viên.
Trong tất cả các chặng đường của quá trình thống nhất châu Âu, chính sách châu Âu của Đức đã định hình thành một động lực thúc đẩy và đã tích cực tham gia kiến tạo quá trình phát triển gắn kết với nhau của châu Âu sau khi chấm dứt tranh chấp Đông-Tây. Trong khuôn khổ tiến trình hòa nhập châu Âu thị trường chung lớn nhất thế giới đã được hình thành và được các hiệp ước Roma diễn giải với 4 tự do cơ bản: tự do giao thương hàng hóa trong các nước EU, tự do đi lại của người dân, tự do cung cấp dịch vụ trong khu vực EU và tự do di chuyển vốn.
Cuộc khủng hoảng tài chính và khủng hoảng nợ bùng phát năm 2008 đã đặt tiến trình thống nhất châu Âu trước những thách thức to lớn. Vì thế Liên minh ngân hàng, nơi định ra những tiêu chuẩn và cơ chế chung cho lĩnh vực tài chính trong khu vực đồng Euro, là một mong muốn trung tâm của chính sách châu Âu của Đức. Nỗ lực duy trì liên kết giữa
người châu Âu ngay cả trong những thời kỳ khó khăn đã được nhiều người dân Đức ủng hộ . Tầm vóc và năng lực kinh tế của thị trường chung châu Âu làm cho EU trở thành một nhân tố trung tâm của nền kinh tế thế giới. Chỉ riêng khu vực đồng Euro đã làm ra hơn một phần năm tổng GDP quốc tế – đứng thứ 2 sau Mỹ. Đồng thời khu vực đồng Euro cũng là khu vực xuất và nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ quan trọng nhất thế giới. Quỹ tiền tệ quốc tế IMF dự báo năm 2016 sẽ tăng trưởng 1,6%. Mới năm 2013 thôi khu vực kinh tế này còn đang trong tình trạng suy thoái.
Với tư cách là nền kinh tế mạnh nhất Liên minh châu Âu, Đức không chỉ gánh vác trách nhiệm đặc biệt trong những giai đoạn chuyển đổi kinh tế và xã hội gần đây.
Tình hữu nghị Đức-Pháp, động lực của tiến trình thống nhất châu Âu
Song song với tiến trình hòa nhập châu Âu, Pháp và Đức đã xây dựng một quan hệ đối tác chặt chẽ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai và ngày nay quan hệ đó thường được coi là mô hình cho sự hòa giải giữa hai dân tộc.
Năm 1957 hai nước thuộc 6 nước sáng lập Cộng đồng kinh tế châu Âu (EWG) – hạt nhân của Liên minh châu Âu ngày nay. Tình hữu nghị Đức-Pháp ra đời với Hiệp ước Elysée năm 1963, được phát triển bởi mối quan hệ chặt chẽ giữa các xã hội dân sự và giữa nhiều cơ quan, tổ chức Đức-Pháp. Hai nước thống nhất chặt chẽ với nhau về những vấn đề chính sách châu Âu và chính sách đối ngoại và cùng góp phần tiếp tục phát triển trên tinh thần xây dựng chính sách châu Âu thông qua những sáng kiến chung của hai nước.
Quan hệ hợp tác Đức-Ba Lan tạo nên một yếu tố mới cho tiến trình thống nhất châu Âu. Sự hòa giải với Ba Lan trong khuôn khổ chính sách Đông Âu của Thủ tướng Liên bang Willy Brandt đã đạt được những thành công đầu tiên trong thập niên 70. Quá trình hòa giải đó được tiếp tục với việc công nhận đường biên giới chung thông qua Hiệp ước 2+4 về các khía cạnh bên ngoài của sự thống nhất nước Đức năm 1990, với Hiệp ước biên giới được ký kết cũng trong năm đó và được thể chế hóa trong Hiệp ước quan hệ láng giềng Đức-Ba Lan ký năm 1991. Quan hệ đối tác với Pháp và Ba Lan được hội tụ lại trong khuôn khổ ba bên của “Tam giác Weimar”.
Tạo thêm sức nặng hơn trên toàn cầu bằng hành động chung châu Âu
Hiệp ước Lisbon năm 2009 đã thể chế hóa mạnh mẽ hơn chính sách đối ngoại và an ninh chung (GASP). Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu là chủ tịch hội đồng ngoại trưởng các nước thành viên và đồng thời là phó chủ tịch Ủy ban liên minh châu Âu. Từ năm 2014 nữ chính khách người Italia Federica Mogherini giữ chức vụ này. Bà phụ trách các vấn đề của chính sách đối ngoại và an ninh chung và là đại diện đối ngoại của EU. Bà đại diện cao cấp thực thi nhiệm vụ của mình dựa vào một cơ quan ngoại giao châu Âu mới thành lập (EAD). Thông qua những thể chế mới này EU đã tăng cường rõ rệt sự hiện diện và hiệu quả của mình trên trường quốc tế. Công tác quản lý khủng hoảng cũng được tiếp tục phát triển. Một số hoạt động ở nước ngoài có sự tham gia của Đức đã được tiến hành dưới sự lãnh đạo của Liên minh châu Âu.
Một trọng tâm của chính sách đối ngoại của EU là gìn giữ quan hệ với các nước láng giềng phía Đông và các nước ven Địa Trung Hải. Trong chính sách với các nước láng giềng này các chủ đề di cư và chống khủng bố ngày càng quan trọng hơn. Việc di cư bất hợp pháp đến châu Âu là một chủ đề của toàn bộ châu Âu. Về vấn đề này tháng 4 và tháng 6.2015 Hội đồng Liên minh châu Âu đã quyết định một gói biện pháp toàn diện. Bên cạnh việc tăng cường cứu trợ khẩn cấp trên biển Địa Trung Hải và các biện pháp chống tội phạm đưa người vượt biên thì việc khắc phục các nguyên nhân dẫn đến tình trạng chạy trốn và di cư bất hợp pháp tại các nước quê hương của người di cư và các nước quá cảnh ở châu Phi và Cận Đông cũng đóng một vai trò. Vấn đề chia đều những người xin tỵ nạn trong EU vẫn cần phải có một giải pháp bền vững trên tinh thần đoàn kết. Năm 2014 5 nước EU đã tiếp nhận hai phần ba tổng số người tỵ nạn, trong đó trước hết là Đức. Không nước nào ở châu Âu tiếp nhận người tỵ nạn Syria nhiều hơn: 125.000 người. Giải pháp được đệ trình lên Hội đồng Liên minh châu Âu tháng 6.2015 đề nghị di chuyển những người tỵ nạn cần được bảo vệ trong nội bộ EU trên cơ sở tự nguyện là bước đi đầu tiên theo hướng đó.