“Nhân phẩm là bất khả xâm phạm. Tôn trọng và bảo vệ nhân phẩm là nghĩa vụ của mọi quyền lực nhà nước”. Đó là nhiệm vụ rõ ràng của điều 1 Luật cơ bản, mà trong đó nước Đức nhận thức được rằng, “Các quyền con người không thể xâm phạm và chuyển nhượng được” là “cơ sở của mọi cộng đồng của con người, của hòa bình và công lý trên
thế giới”. Nghĩa vụ này được nước Đức nghiêm túc coi trọng cả trong các quan hệ đối ngoại của mình. Bảo vệ và tăng cường quyền con người có một vai trò đặc biệt trong bối cảnh chính sách đối ngoại và quốc tế, vì xâm phạm quyền con người một cách có hệ thống thường là bước đầu tiên dẫn đến bất đồng và khủng hoảng. Cùng với các đối tác trong EU và hợp tác với Liên hiệp quốc, Đức đấu tranh trên khắp thế giới để bảo vệ và tiếp tục phát triển các tiêu chuẩn của quyền con người.
Tích cực trong các cơ quan nhân quyền quốc tế
Đức tham gia ký kết các hiệp ước quan trọng về quyền con người của Liên hiệp quốc và
các nghị định thư bổ sung các hiệp ước đó (công ước dân sự, công ước xã hội, công ước
chống phân biệt chủng tộc, công ước về quyền của phụ nữ, công ước chống tra tấn, công ước về quyền của trẻ em, công ước về quyền của người khuyết tật, công ước về bảo vệ mọi người khỏi bị đưa đi mất tích). Mới đây Đức đã ký nghị định thư bổ sung công ước chống tra tấn và công ước về quyền của người khuyết tật, cả hai có hiệu lực từ năm 2009. Đức là nước châu Âu đầu tiên phê chuẩn nghị định thư bổ sung công ước về quyền của trẻ em tạo điều kiện xem xét khiếu nại của từng cá nhân.
Chính phủ Liên bang ủng hộ việc bảo vệ con người trước nạn phân biệt đối xử và phân
biệt chủng tộc, nỗ lực trên khắp thế giới chống án tử hình, đấu tranh cho quyền tham gia chính trị và được pháp luật bảo vệ, bảo vệ quyền tự do tôn giáo và thế giới quan, chống buôn bán người và thúc đẩy thực thi quyền có chỗ ở và quyền tiếp cận nước sạch và được chăm sóc y tế. Trên thế giới có gần 900 triệu người không được tiếp cận nước sạch. Với kinh phí 400 triệu Euro mỗi năm Đức góp phần trong nhiều dự án để thay đổi tình trạng này. Tiếp cận nước sạch, một trong những chủ đề mới của quyền con
người, là trọng tâm hợp tác phát triển của Đức ở 27 nước.
Từ năm 2012 Đức lần thứ 2 là thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc tại Giơnevơ, Thụy Sĩ và ra tái cử cho nhiệm kỳ từ 2016 đến 2018. Năm 2015 lần đầu tiên đại diện của Đức là đại sứ Joachim Rücker giữ chức vụ chủ tịch hội đồng này. Nhà ngoại giao Đức này đã được 47 ủy viên Hội đồng nhân quyền bầu làm chủ tịch trong một năm. Công cụ quan trọng của Hội đồng nhân quyền là “Kiểm điểm định kỳ phổ quát”, mà trong đó mỗi nước thành viên Liên hiệp quốc báo cáo về tình hình thực hiện các nghĩa vụ về quyền con người của nước mình và đối mặt với những câu hỏi phê phán được đặt ra. Đức đã trải qua quy trình này năm 2009 và 2013.
Đức là một trong những nước tích cực nhất trong Hội đồng châu Âu với 47 quốc gia thành viên. Hội đồng này tích cực đấu tranh bảo vệ và khuyến khích quyền con người, khuyến khích nhà nước pháp quyền và dân chủ trên toàn châu Âu. Với những công ước định hướng, như trước hết là Công ước nhân quyền châu Âu, Hội đồng châu Âu góp phần phát triển một không gian pháp luật chung của châu Âu và giám sát việc tuân thủ những tiêu chuẩn và giá trị ràng buộc chung trên lục địa châu Âu.
Các công cụ của chính sách nhân quyền quốc tế
Một cơ quan trung tâm của Hội đồng châu Âu để thực thi quyền con người ở châu Âu là Tòa án nhân quyền châu Âu (EGMR) có trụ sở ở Strassbourg, Pháp. Mỗi một công dân của 47 nước thành viên Hội đồng châu Âu có thể trực tiếp đệ đơn lên Tòa án nhân quyền châu Âu kiện về việc các quyền của mình được Công ước nhân quyền châu Âu bảo vệ bị xâm phạm. Đức kiên quyết ủng hộ việc tất cả các thành viên của Hội đồng châu Âu chấp thuận và thi hành các phán quyết của Tòa án nhân quyền châu Âu phù hợp với nghĩa vụ của các nước đó. Tòa án hình sự quốc tế (IstGH) ở La Hay, Hà Lan, có thẩm quyền xét xử theo công pháp quốc tế các tội phạm quốc tế nghiêm trọng, như tội phạm chiến tranh, tội phạm chống lại loài người hoặc tội diệt chủng. Đức đấu tranh cho việc công nhận phổ quát tòa án hình sự quốc tế IstGH.
Phái viên của Chính phủ Liên bang về chính sách nhân quyền và viện trợ nhân đạo, ông
Christoph Strässer, được chuyển đến Bộ Ngoại giao. Ông quan sát các diễn biến quốc
tế, phối thuộc các hoạt động nhân quyền với các cơ quan nhà nước khác và tư vấn Bộ
trưởng Bộ Ngoại giao. Chính sách nhân quyền của Đức được quốc hội hỗ trợ và kiểm
soát từ năm 1998 thông qua Ủy ban nhân quyền và viện trợ nhân đạo của Quốc hội
Liên bang. Viện Nhân quyền Đức được thành lập tại Berlin năm 2000, do nhà nước
cấp kinh phí, nhưng là một cơ quan độc lập.
Với tư cách là Viện nhân quyền quốc gia theo tinh thần các nguyên tắc Paris của Liên
hiệp quốc, Viện Nhân quyền Đức góp phần của nước Đức khuyến khích và bảo vệ quyền
con người ở trong và ngoài nước.
Bảo vệ quyền con người cũng là một lĩnh vực hoạt động quan trọng của chính sách đối ngoại trên mạng. Các vấn đề bảo vệ dữ liệu và các quyền nhân thân phải được cấp bách giải quyết. Năm 2013 và 2014 Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã ra các nghị quyết về quyền riêng tư trong thời đại kỹ thuật số. Các nghị quyết đó được đưa ra theo sáng kiến của Đức và Brasil. Quan điểm của Đức là quyền con người có giá trị trên mạng đúng như ngoài mạng. Năm 2015 Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc đã thông qua một nghị quyết lần đầu tiên sẽ cử một báo báo viên độc lập đặc trách về quyền riêng tư. Hàng năm báo cáo viên này sẽ báo cáo về những vi phạm và theo dõi các cuộc tranh luận quốc tế về chủ đề này.
Thông qua hoạt động viện trợ nhân đạo, Chính phủ Liên bang hỗ trợ trên khắp thế giới những người rơi vào tình trạng khẩn cấp do thiên tai, xung đột vũ trang hoặc các cuộc khủng hoảng và xung đột khác gây ra hoặc những người bị rủi ro. Hỗ trợ đó không phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng khẩn cấp. Viện trợ nhân đạo thể hiện trách nhiệm đạo đức và tình đoàn kết với những người đang gặp nạn. Viện trợ nhân đạo định hướng tới nhu cầu của người gặp nạn và dựa trên các nguyên tắc nhân đạo của loài người, nguyên tắc trung lập, không đảng phái và độc lập.
Viện trợ nhân đạo cho những người đang gặp hoạn nạn
Chính phủ Liên bang không trực tiếp thực hiện công tác viện trợ nhân đạo này, mà tài trợ các dự án phù hợp của các tổ chức nhân đạo của Liên hiệp quốc, phong trào chữ thập đỏ/trăng lưỡi liềm đỏ và các tổ chức phi chính phủ của Đức. Chỉ riêng trong năm 2014 Bộ Ngoại giao đã chi hơn 437 triệu Euro cho các biện pháp viện trợ nhân đạo.